Lịch công tác

 
Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30 1 2 3 4 5

Đăng Nhập

 



Khóa bồi dưỡng chuyên đề “Luyện Chữ Đẹp”

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thông báo chiêu sinh Khóa bồi dưỡng chuyên đề “Luyện Chữ Đẹp” tổ chức tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Thông tin chi tiết xin xem tại đây.


PTN AILab tuyển sinh viên cho dự án KHAN

PTN AILab tuyển sinh viên cho dự án KHAN (tạo bài giảng môn toán từ lớp 1-6)

Phòng thí nghiệm AILab trực thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG–HCM là nơi thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo, Giáo dục và Y tế.

Nhằm triển khai đề tài ứng dụng MOOC do Lãn sự quán Hoa Kỳ tài trợ, PTN AILab ra thông báo tuyển dụng như sau:

I. Mô tả công việc:

Tạo video giải các bài tập mẫu môn toán từ lớp 1 đến lớp 6 bằng tiếng Việt.

II. Số lượng tuyển dụng: 5 người, ưu tiên nữ.

III. Đối tượng:

- Sinh viên hoặc học viên Cao học (ưu tiên cho SV ngành Toán, CNTT).

V. Thời gian và địa điểm làm việc: linh động (làm việc tại nhà hoặc PTN AILab)

VI. Quyền lợi:

- Mức lương dự kiến: thoả thuận theo sản phẩm (từ 2 đến 5tr/tháng).

- Được đào tạo, huấn luyện và tham gia làm trợ giảng ở giai đoạn sau của dự án.

Sinh viên, học viên quan tâm vui lòng gửi CV, và bảng điểm tới địa chỉ email: ailab@.hcmus.edu.vn trước ngày 04/06/2017. PTN AILab chỉ liên hệ phỏng vấn với những ứng viên đủ tiêu chuẩn.


Liên hệ với nhà trường

+ Khoa Giáo dục Tiểu học

Trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh

280 An Dương Vương, Phường 4, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh

Điện thoại: (08) 38352020 - số nội bộ 135

Website: http://khoagdth.hcmup.edu.vn

Email: khoagdth@hcmup.ede.vn


+ Phòng Đào tạo

Điện thoại: (08) 38352020 - số nội bộ 143


+ Phòng Sau đại học

Điện thoại: (08) 38352020 - số nội bộ 181, 182, 183, 184

Website: http://sdh.hcmup.edu.vn

Email: phongsdh@hcmup.ede.vn


Hội thi “Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ IX, năm 2016 -2017”

Ngày 27 tháng 7 vừa qua, tại Sở Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã diễn ra vòng thi thuyết trình của Hội thi “Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ IX, năm 2016 -2017”. Tại hội thi, các thí sinh lần lượt trưng bày và thuyết trình bảo vệ sản phầm của mình trước hội đồng chuyên môn. Một số sản phẩm kỹ thuật có tính sáng tạo và tính ứng dụng cao đặc biệt trong việc dạy và học tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông…

 

Hội đồng chuyên môn chấm thi ngoài sự có mặt của thầy cô các trường Trung học cơ sở, Trung học Phổ thông thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn có sự góp mặt hỗ trợ của thầy Thạc sĩ Trần Đức Thuận và Thạc sĩ Phạm Phương Anh thuộc khoa Giáo dục Tiểu học trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo sự đánh giá chính xác chuyên môn và tính khách quan cho hội thi.

Hội thi năm nay được đánh giá cao về tính kỹ thuật và sự sáng tạo cho thấy chất lượng Hội thi được nâng dần lên qua mỗi năm. Một số sản phẩm tập trung vào việc hỗ trợ dạy và học cho giáo viên như, mô hình miêu tả vòng tuần hoàn của nước, mô hình nhà máy Thủy điện, quy trình xử lý nước, bàn học đa năng…

Bên cạnh đó, một số sáng tạo kỹ thuật mang yếu tố bảo vệ môi trường thông qua các mô hình được thiết kế kỹ thuật bằng những vật liệu tái chế như thìa, ống hút, đĩa CD cũ.

 

Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần IX” là cơ hội để các giáo viên, các nhà kỹ thuật giao lưu học hỏi và trình bày những ý tưởng cũng như các sáng tạo kỹ thuật. Qua hội thi, một số ý tưởng kỹ thuật đột phá được các sở ngành như sở Khoa học kỹ thuật, phòng thiết bị dạy học sở giáo dục đào tạo quan tâm và đặt hàng, tạo điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào dạy học tại các trường học.


LSIS

Hệ thống Giáo dục Những ngôi sao nhỏ LSIS, một trong những đơn vị tài trợ cho Hội thảo Quốc tế về Didactic Toán lần thứ VI

http://ngoisaonho.edu.vn/


Biện pháp quản lí, chỉ đạo chuyên môn thông qua việc đẩy mạnh vận dụng phương pháp ""bàn tay nặn bột"" vào giảng dạy môn Khoa học cấp tiểu học PDF. In Email
Thứ hai, 14 Tháng 9 2015 07:29

BIỆN PHÁP QUẢN LÍ, CHỈ ĐẠO CHUYÊN MÔN
THÔNG QUA VIỆC ĐẨY MẠNH VẬN DỤNG
PHƯƠNG PHÁP “BÀN TAY NẶN BỘT”
VÀO GIẢNG DẠY MÔN KHOA HỌC CẤP TIỂU HỌC

Lưu Phương Thanh Bình [*]

Tóm tắt: Bài viết với mục tiêu hỗ trợ công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng dạy học thông qua các biện pháp giúp giáo viên đẩy mạnh việc vận dụng Phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào giảng dạy môn khoa học cấp Tiểu học. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và công tác tự học, tự bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên về vai trò, ích lợi của phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Hình thành kiến thức cho học sinh thông qua các thí nghiệm nghiên cứu để chính các em rút ra kiến thức, khơi gợi lòng yêu thích khoa học.

Từ khóa: phương pháp bàn tay nặn bột, thí nghiệm, khám phá khoa học, lĩnh hội kiến thức.

PROFESSIONAL KNOWLEDGE SUPERVISION AND MANAGEMENT
THROUGH ENHANCED APPLICATION OF “LA MAIN À LA PÂTE” METHODOLOGY INTO TEACHING SCIENCE IN PRIMARY SCHOOLS

Abstract: The article aims at supporting professional knowledge supervision and management in order to improve the quality of teaching and learning through the enhanced application of “La main à la pâte” methodology into teaching Science in primary schools. Thence, it contributes to increasing managerial and teaching staff’s awareness and self-study, self-training of the role and benefits of “La main à la pâte” methodology. The methodology focuses on forming students’ knowledge through experiments which also arouse students’ interest in science.

Key words: “La main à la pâte” methodology, experiments, scientific exploration, knowledge acquisition.

 

I. Đặt vấn đề

Thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy ở tiểu học đã được triển khai rộng rãi đến các quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đội ngũ thầy cô giáo. Điều này đem lại một sắc thái mới cho ngành Giáo dục và Đào tạo. Với mục tiêu cao hơn trong công tác giảng dạy là đòi hỏi sự sáng tạo và không ngừng sáng tạo, việc hình thành cho học sinh (HS) một thế giới quan khoa học và niềm say mê khoa học là một mục tiêu quan trọng của giáo dục hiện đại khi mà nền kinh tế tri thức đang dần dần chiếm ưu thế tại các quốc gia trên thế giới. “Bàn tay nặn bột” là một phương pháp dạy học (PPDH) tích cực, thích hợp cho việc giảng dạy các kiến thức khoa học tự nhiên, đặc biệt là đối với HS bậc tiểu học.

Phương pháp Bàn tay nặn bột là một PPDH tích cực dựa trên thí nghiệm nghiên cứu, áp dụng cho việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên. Bàn tay nặn bột chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho HS bằng các thí nghiệm, tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra. Với một vấn đề khoa học, HS có thể đặt ra các câu hỏi, các giả thuyết từ những hiểu biết ban đầu, tiến hành các thí nghiệm nghiên cứu để kiểm chứng và đưa ra những kết luận phù hợp thông qua thảo luận, so sánh, phân tích, tổng hợp kiến thức.

Thế nhưng thực tế hiện nay, một bộ phận giáo viên (GV) ngại thay đổi vì họ thường nghĩ rằng mình đang làm tốt nên không cần thay đổi, chưa kể có một bộ phận không nhỏ quan niệm rằng phương pháp này sẽ khiến GV tốn nhiều thời gian để xây dựng dự án dạy học. Mặt khác, công tác đánh giá hoạt động dạy học của GV còn mang tính hình thức, chưa thực chất. Tiêu chí đánh giá thường tập trung vào việc dạy hết kiến thức của một bài học trong sách giáo khoa (SGK), đảm bảo thời lượng của tiết học, sử dụng phần mềm trình chiếu, GV sử dụng thành thạo phương tiện dạy học, thực hiện thành công thí nghiệm v.v... Theo những tiêu chí này thì giờ dạy của GV theo phương pháp "Bàn tay nặn bột" có thể không được đánh giá cao. Vậy làm thế nào để giúp GV đẩy mạnh việc vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” một cách hiệu quả? Đó là những trăn trở cho người quản lí và chỉ đạo chuyên môn tại các trường tiểu học.

II. Thực trạng việc vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”

Thời gian qua, khi vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”, các trường thường gặp những thuận lợi và khó khăn sau:

1. Thuận lợi

-      Cùng với các PPDH tích cực khác đang được triển khai, phương pháp “Bàn tay nặn bột” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đầu tư nghiên cứu, biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn để từng bước triển khai áp dụng trong các trường tiểu học.

-      Đội ngũ cán bộ quản lí (CBQL) và GV luôn nhiệt tình, ham học hỏi là điều kiện tốt thúc đẩy việc áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào trong dạy học các môn khoa học.

-      Phương pháp Bàn tay nặn bột có tiến trình dạy học rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với đặc trưng bộ môn Khoa học, Tự nhiên và Xã hội ở tiểu học. Dạy học theo
phương pháp Bàn tay nặn bột cũng đã được quy thành 5 bước cụ thể như sau:

+ Đưa ra tình huống có vấn đề cần tìm hiểu

+ HS bộc lộ quan điểm ban đầu

+ HS đặt câu hỏi và đề xuất phương án thí nghiệm

+ HS tiến hành thực nghiệm

+ HS so sánh kết quả sau thực nghiệm với dự đoán và rút ra kết luận.

Trên cơ sở những bước học tập như trên, có thể thấy rằng GV sẽ không phải tốn nhiều thời gian cho việc thuyết trình giảng giải. Đồng thời, kiến thức cũng sẽ được HS tiếp nhận một cách tự nhiên, không gò ép.

2. Khó khăn

2.1. Về điều kiện, cơ sở vật chất

-      Trong các lớp học hiện nay, bàn ghế được bố trí theo dãy, nối tiếp nhau, không thuận lợi cho việc tổ chức học theo nhóm.

-      Số HS trên một lớp quá đông nên việc tổ chức học tập theo nhóm rất khó khăn. Điều này cũng gây khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động tham quan, dã ngoại, điều tra thực tế cho HS.

-      Một số trường tiểu học, bộ dụng cụ thí nghiệm còn lạc hậu, còn thiếu tính chuẩn xác.

2.2. Về đội ngũ giáo viên

-      Trình độ GV hiện nay chưa đồng đều cả về chuyên môn và năng lực
sư phạm.

-      Kiến thức chuyên sâu về khoa học của một bộ phận không nhỏ GV còn hạn chế. Vì vậy, GV thường gặp nhiều khó khăn trong việc trả lời, giải đáp các câu hỏi cũng như khó khăn trong việc lí giải thấu đáo các thắc mắc của HS nêu ra trong quá trình học. Đây là một trở ngại rất lớn trong việc áp dụng các PPDH tích cực nói chung và phương pháp “Bàn tay nặn bột” nói riêng.

 

III. Biện pháp giúp giáo viên đẩy mạnh việc vận dụng phương pháp Bàn tay
nặn bột

1. Nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên về vai trò, ích lợi của phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Nâng cao công tác tự học của đội ngũ CBQL, GV để họ có kiến thức khoa học sâu rộng, nắm vững các PPDH trong đó có phương pháp “Bàn tay nặn bột”.

2. Bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên về quy trình và ứng dụng của phương pháp “Bàn tay nặn bột”.

-      Rèn kĩ năng sử dụng tốt các PPDH mới và vận dụng phù hợp, hiệu quả thông qua các tiết thao giảng chuyên để, dự giờ góp ý tiết dạy.

-      Thường xuyên trao đổi nội dung vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong các buổi sinh hoạt chuyên môn toàn trường, sinh hoạt chuyên môn tổ khối để GV có điều kiện chia sẻ những thuận lợi, khó khăn đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời, phù hợp với điều kiện cụ thể giúp cho việc vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” đạt hiệu quả cao nhất.

-      Tuyên dương kịp thời những GV tích cực trong việc thực hiện đổi mới PPDH nhất là những GV vận dụng hiệu quả phương pháp “Bàn tay nặn bột” để nhân rộng điển hình trong tập thể sư phạm.

3. Nâng cao khả năng vận dụng thông qua việc gợi ý, hướng dẫn cho giáo viên các giải pháp cụ thể

3.1. Tổ chức lớp học

-      Bố trí bàn ghế theo nhóm cố định.

-      Không khí làm việc trong lớp học: GV tạo sự thoải mái để tất cả HS ham thích các hoạt động: thực hiện thí nghiệm, suy nghĩ, thảo luận, trao đổi, trình bày bằng lời nói hoặc viết...

3.2. Giúp học sinh bộc lộ quan niệm ban đầu

GV khuyến khích HS trình bày ý kiến của mình, biết chấp nhận và tôn trọng những quan điểm sai của HS khi các em trình bày biểu tượng ban đầu.

3.3. Kỹ thuật tổ chức hoạt động thảo luận cho học sinh

-      GV cần cố gắng dành thời gian để rèn luyện cho HS kỹ năng thảo luận thông qua hình thức tương tác lẫn nhau.

-      GV lưu ý không nhận xét ngay tính đúng sai trong quá trình phát biểu ý kiến của các nhóm.

3.4. Kỹ thuật tổ chức hoạt động nhóm trong phương pháp “Bàn tay nặn bột”

-      Mỗi nhóm không quá nhiều HS. GV không can thiệp sâu vào vấn đề tổ chức nhóm của HS.

-      Trong quá trình HS thảo luận theo nhóm, GV di chuyển đến các nhóm, phát hiện những nhóm thực hiện lệnh thảo luận sai để điều chỉnh hoặc chọn ý kiến kém chính xác nhất của một nhóm nào đó để yêu cầu trình bày đầu tiên trong phần thảo luận, cũng như nhận biết nhanh ý kiến của nhóm nào đó chính xác nhất để yêu cầu trình bày sau cùng.

3.5. Kỹ thuật đặt câu hỏi của giáo viên

-      Câu hỏi nêu vấn đề: luôn đủ “mở” để kích thích sự tự vấn của HS.

-      Câu hỏi gợi ý: GV nên dùng các cụm từ bắt đầu như “Theo các em”, “Em nghĩ gì…”, “Theo ý em…”… trong quá trình gợi ý vì các cụm từ này cho thấy thầy cô không yêu cầu HS đưa ra một câu trả lời chính xác mà chỉ yêu cầu HS giải thích ý kiến, đưa ra nhận định của các em mà thôi.

3.6. Rèn luyện năng lực diễn đạt cho học sinh

Rèn cho HS viết vào vở thực hành những gì các em sẽ làm, những gì các em dự đoán sẽ diễn ra trong các thí nghiệm. Hoạt động này không phải để lưu giữ mà nhằm giúp HS học cách mô tả, trình bày, bảo vệ ý kiến của mình, chủ động và thuần thục hơn trong sử dụng vốn từ ngữ, thuật ngữ khoa học, khái niệm mà HS thu nhận được qua quá trình học tập khoa học.

3.7. Kĩ thuật chọn ý tưởng, nhóm ý tưởng của học sinh

-      Khi một HS nào đó đã nêu ý kiến, GV yêu cầu HS khác trình bày các ý kiến khác hay bổ sung cho ý kiến mà HS trước đã trình bày.

-      Đối với những ý tưởng phức tạp hay có nhiều ý kiến khác biệt, GV ghi chú tóm tắt lại ở một góc trên bảng để HS dễ theo dõi.

3.8. Hướng dẫn học sinh đề xuất thí nghiệm nghiên cứu hay phương án tìm câu trả lời

-      Đối với ý kiến hay vấn đề đặt ra đơn giản, ít phương án hay thí nghiệm chứng minh, có thể cho HS trả lời trực tiếp phương án mà HS đề xuất.

-      Đối với các kiến thức phức tạp, thí nghiệm cần thực hiện để kiểm chứng, HS khó đề xuất đầy đủ và chuẩn xác, GV có thể chuẩn bị một loạt các vật dụng liên quan đến việc làm thí nghiệm. Sau đó yêu cầu các nhóm lên lấy các đồ dùng cần thiết để làm thí nghiệm chứng minh.

-      Thầy cô theo dõi, xoáy sâu vào các điểm khác biệt gây tranh cãi đó để giúp HS tự đặt câu hỏi thắc mắc và thôi thúc HS đề xuất các phương án để tìm ra câu trả lời. Một số phương án tìm câu trả lời có thể không phải làm thí nghiệm mà tìm câu trả lời bằng cách nghiên cứu các tài liệu (SGK, tờ rơi thông tin khoa học do GV cung cấp…), hoặc quan sát (trên vật thật, trên mô hình, tranh vẽ khoa học…).

3.9. Hướng dẫn học sinh sử dụng vở thực hành

GV hướng dẫn HS cách ghi chép những ý kiến cá nhân về biểu tượng ban đầu; ghi chép nội dung, cách làm, kết quả thí nghiệm trong khi thực hiện tìm tòi, nghiên cứu.

3.10. Hướng dẫn học sinh phân tích thông tin, hiện tượng quan sát khi nghiên cứu để đưa ra kết luận

GV hướng dẫn HS kĩ năng chú ý đến các thông tin chính để rút ra kết luận tương ứng với câu hỏi trong khi làm thí nghiệm, quan sát hoặc nghiên cứu tài liệu để tìm ra câu trả lời.

3.11. So sánh kết quả thu nhận được và đối chiếu với kiến thức khoa học

GV giới thiệu thêm sách, tài liệu hay thông tin trên internet mà HS có thể có điều kiện tiếp cận được để giúp các em hiểu sâu hơn các kiến thức được học, không bằng lòng và dừng lại với những hiểu biết yêu cầu trong chương trình.

3.12. Đánh giá học sinh trong dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”

GV đánh giá HS ở nhiều thời điểm và bằng các hình thức đa dạng như: qua quá trình thảo luận, trình bày, phát biểu ý kiến tại lớp học, trong quá trình làm thí nghiệm và thông qua sự tiến bộ nhận thức của HS trong vở thí nghiệm...

4. Xây dựng kế hoạch từng bước khắc phục khó khăn về cơ sơ vật chất (đầu tư mua sắm các dụng cụ thí nghiệm, bố trí phòng thí nghiệm, …)

-      Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ HS và các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường để cha mẹ HS và các lực lượng giáo dục cùng tham gia vào việc chuẩn bị dụng cụ thí nghiệm, giúp HS thực hiện các thí nghiệm khám phá tại nhà, tổ chức cho HS tham quan học tập, điều tra thực tế tại những điểm phù hợp, thuận tiện khi cần thiết.

-      Khuyến khích GV tận dụng tối đa những vật liệu sẵn có ở địa phương để phục vụ cho việc giảng dạy.

5. Những vấn đề cần lưu ý khi áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột vào dạy học

5.1. Lựa chọn chủ đề dạy học

GV cần lựa chọn các chủ đề dạy học gần gũi với đời sống mà HS dễ cảm nhận và đã có ít nhiều những quan niệm ban đầu về chúng. Căn cứ vào chuẩn kiến thức, kĩ năng của môn học, GV có thể xác định nội dung kiến thức khoa học trong một hay nhiều bài học trong SGK để tạo thành một chủ đề dạy học.

5.2. Lựa chọn và sử dụng thiết bị dạy học

-      Chú ý vấn đề an toàn trong quá trình các em làm thí nghiệm.

-      Việc tự làm thiết bị dạy học của GV rất quan trọng và cần thiết.

-      GV sử dụng các vật liệu gần gũi, dễ tìm và tiết kiệm để làm đồ dùng dạy học.

5.3. Tổ chức hoạt động quan sát và thí nghiệm

-      Đảm bảo mục tiêu của từng chương và của từng bài học về kiến thức, kĩ năng và thái độ.

-      Phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo; bồi dưỡng hứng thú học tập; phát triển năng lực nhận thức, rèn luyện phương pháp tự học; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí HS.

-      Đảm bảo sự thống nhất giữa phương pháp khoa học và PPDH bộ môn.

-      Đảm bảo tính khả thi của các hoạt động quan sát, thí nghiệm trong nhiều hoàn cảnh dạy học khác nhau.

 

IV. Kết quả

Những biện pháp mà chúng tôi áp dụng thời gian qua đã phần nào phát huy tác dụng thông qua việc ngày càng có nhiều tiết học, nhiều hoạt động vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Hoạt động chuyên môn tại các trường tiểu học ngày một khởi sắc, GV tiểu học có thêm phương pháp để tổ chức lớp học, đặc biệt trong các tiết khoa học một cách nhẹ nhàng, hiệu quả.

Phấn khởi hơn cả là những kết quả khả quan thu nhận được từ phía HS. Trong mỗi giờ học vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”, dưới sự tổ chức giảng dạy của người GV, các em HS đều tỏ ra rất hứng thú tìm tòi, khám phá, chủ động và tích cực tham gia các hoạt động học tập. Chỉ qua thời gian ngắn thực hiện, nhiều kĩ năng của HS tiến bộ rất rõ rệt: tinh tế trong quan sát, thuyết phục trong trình bày, chuẩn xác trong thực hành thí nghiệm, năng động trong làm việc nhóm, chặt chẽ trong phân tích và đánh giá… Các em có niềm tin vào bản thân, ghi nhớ lâu và chắc những kiến thức đã lĩnh hội.

 

V. Hướng tăng cường vận dụng phương pháp "Bàn tay nặn bột" trong thời gian tới

Thời gian qua, giáo dục tiểu học thành phố đã đẩy mạnh việc triển khai, mở rộng vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Nổi bật nhất là thông qua các chuyên đề “Vận dụng phương pháp "Bàn tay nặn bột" vào môn Khoa học lớp 4, 5” được tổ chức tại các cụm chuyên môn 2, 3, 4 trên địa bàn thành phố. Trong thời gian sắp tới:

-      Tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn cho CBQL, GV về phương pháp “Bàn tay nặn bột”.

-      Tổ chức nhiều buổi thao giảng, chuyên đề có vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”.

-      Tạo điều kiện cho GV tự thiết kế sáng tạo phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong những mô-đun kiến thức khác với SGK, chương trình Bồi dưỡng thường xuyên và đẩy mạnh thực hiện trong các hoạt động ngoài trời, ngoài lớp.

-      Thường xuyên rút kinh nghiệm và điều chỉnh việc dạy và học bằng phương pháp “Bàn tay nặn bột” cho các cụm chuyên môn.

 

VI. Kết luận

Cùng với các PPDH khác, “Bàn tay nặn bột” là một phương pháp giáo dục tiên tiến, giúp hình thành kiến thức và nhân cách cho trẻ em. Vì thế, nó không chỉ phát huy hiệu quả ở cấp tiểu học mà còn có thể áp dụng cho các cấp giáo dục cao hơn. Hơn nữa, HS Việt Nam rất cần một chương trình như thế, bởi hiện nay các em đang thiếu kiến thức thực tiễn một cách đáng lo ngại. Vì thế, người làm công tác quản lí và chỉ đạo chuyên môn cần khéo léo đẩy mạnh và khuyến khích GV nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua việc dạy học phương pháp Bàn tay nặn bột. Phương pháp này đòi hỏi GV chủ nhiệm phải có tầm hiểu biết rộng, có sự chuẩn bị công phu cho mỗi giờ học từ dụng cụ thí nghiệm, trang thiết bị học tập đến các tình huống có thể xảy ra trong quá trình HS làm thí nghiệm. Bởi khi bắt tay vào làm thí nghiệm, khi thấy có bất cứ hiện tượng gì xảy ra, các em đều đặt ngay câu hỏi “tại sao ?”. GV phải vững kiến thức để cùng các em giải đáp các thắc mắc, lí giải các hiện tượng một cách khoa học. HS hoạt động tích cực và đầy hứng thú khi được học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” góp phần phát triển tư duy lôgic, trí tưởng tượng, rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo thực hành và vốn ngôn ngữ khoa học, kèm theo sự vững vàng trong lập luận cho các em. Đó chính là những yếu tố quan trọng để giúp HS nắm bắt kiến thức để tìm tòi khám phá, phát huy tính tích cực của mình. Vì thế, các nội dung trên cần đưa vào trong các buổi sinh hoạt tổ khối chuyên môn cũng như việc bồi dưỡng thường xuyên các chuyên đề nhằm nâng cao sự hiểu biết khoa học và việc bồi dưỡng kiến thức để vận dụng phương pháp Bàn tay nặn bột là rất cần thiết tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.

Chúng tôi hi vọng phương pháp “Bàn tay nặn bột” sẽ được nhiều CBQL, GV nghiên cứu vận dụng thường xuyên & hiệu quả, góp phần đẩy mạnh việc đổi mới PPDH đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đơn vị và cá nhân để nội dung chuyên đề thêm hoàn chỉnh giúp cho việc vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào dạy học các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học ở Tiểu học trên địa bàn thành phố sẽ đạt hiệu quả cao.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bùi Phương Nga (chủ biên), (2010), Tự nhiên và Xã hội 1, 2, 3, NXB Giáo dục Việt Nam.
  2. Gorger Charpark (1999), Bàn tay nặn bột - Khoa học ở trường Tiểu học, NXB Giáo dục.
  3. Phạm Ngọc Định - Nguyễn Ngọc Yến - Lương Việt Thái, (2012), Phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong dạy học môn Tự nhiên - Xã hội, môn Khoa học ở trường Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  4. Phạm Ngọc Định - Trần Thanh Sơn - Bùi Việt Hùng - Đào Văn Toàn (2012), Tài liệu hỏi đáp về Phương pháp Bàn tay nặn bột, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

 


[*] ThS, Sở Giáo dục & Đào tạo TPHCM