French (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Trường Trung học Thực Hành-Khối chuyên ĐHSP
“Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; phát triển giáo dục mũi nhọn; rèn luyện năng lực vận dụng sáng tạo của học sinh vào thực tiễn cuộc sống”
  
Tư liệu
KHI THẦY CHO EM ĐIỂM KHÔNG PDF. In Email
Thứ bảy, 18 Tháng 12 2010 03:25

KHI THẦY CHO EM ĐIỂM KHÔNG

Khi Thầy cho em điểm không

Là lúc lòng Thầy vô cùng trống vắng

Đôi nét tròn khoanh bao điều kỳ vọng

“Ngôi trường nhạt nhoà, sân nắng rưng rưng”.

Khi Thầy cho em điểm không

Là lúc lòng em buồn nhiều lắm

Nhưng em sẽ biến

Điểm không thành chiếc phao đỡ nâng đời em lướt sóng

Điểm không thành chiếc kinh khí cầu đưa em vượt trùng dương.

Thầy cho em một điểm không

Để muốn em từ không thành có

Em biết rằng lòng Thầy không hề muốn.

Thầy tặng cho em điểm không

Như tặng cho em bao điều kì vọng

Em nhận lấy và không hề oán trách

Vì em biết

Những lúc ấy Thầy thương em đến quặn lòng.

Huỳnh Việt Thảo (khoá 1999 – 2002)

 
Suối nguồn nâng cánh ước mơ PDF. In Email
Thứ bảy, 18 Tháng 12 2010 03:20

Suối nguồn nâng cánh ước mơ

Hàng năm mỗi khi chấm dứt những đợt mưa đầu mùa và trên không hé lộ vài tia nắng của một sớm trong lành, lòng tôi lại nao nức rộn ràng những kỷ niệm của buổi tựu trường. Tôi chưa hề ghi lại những cảm giác ấy, bởi vì hồi ấy tôi không biết phải ghi ra sao và thú thật giờ cũng không nhớ hết. Nhưng cái cảm giác bồi hồi tha thiết về mái trường cấp 3 vẫn in đậm trong trái tim tôi, những khoảnh khắc khó phai mờ, giờ phút chia tay bạn bè và thầy cô, những giờ phút chờ kết quả thi vẫn như tìm về trong ký ức. Tự bao giờ tôi biết rằng, tôi yêu mái trường đó như một phần kỷ niệm trong cuộc đời. Bởi ở đó tôi đã gởi lại những ký ức sâu đậm cùng một tình yêu đủ lớn giúp tôi trưởng thành và tự hào.

Tôi thuộc thế hệ đầu tiên ngay từ lúc mới thành lập trường, tính ra tôi rời trường đã 7 năm, mọi thứ đổi thay theo thời gian. Thế nhưng bóng hình cô chủ nhiệm dạy văn của lớp 12A5 vẫn như in trong miền ký ức. Mọi người thường ví nghề giáo như người đưa đò sang sông, chỉ riêng với tôi, tình yêu của cô như mạch nước ngầm chậm rãi từng ngày lan vào lòng đất, ngấm dần vào từng ngóc ngách mang sức sống đến trong các bài văn, xoa dịu những suy tư còn non nớt và nuôi dưỡng những nhiệt tình của đứa học trò nhỏ.  Có cảm giác tôi lúc ấy như được khơi dậy cái năng lực tiềm ẩn trong từng cử động, từng quyết định nhỏ, cái khả năng có thể nhảy rất dài, vượt rất xa, thay đổi cả thế giới; hoặc là cái nguy cơ trượt xa khôn cùng xuống vực sâu của tăm tối, u uất và rệu rã. Tôi miên man theo dòng nước ấy và sống với những cảm xúc mà cô truyền đến. Ẩn bên trong sự nghiêm khắc và dáng hình nhỏ nhắn khom khom là tấm lòng quan tâm không ngừng nghỉ, là sự trăn trở về hướng đi cho những “đứa con” đang loay hoay với năm cuối cấp. “Cái tâm” ấy hiện lên trong từng ánh mắt, lộ ra trong nụ cười nhẹ nhàng, trên khóe môi và cùng hòa âm trong từng lời giảng. Có lẽ chính suối nguồi yêu thương đó đã rộng mở cho những cảm xúc và hoài bão của tôi thăng hoa trong  những năm  phổ thông.

Thời gian dần qua, bước vào giảng đường đại học và qua nhiều khúc quanh của cuộc đời, đến tận bây giờ cảm xúc ấy vẫn nguyên vẹn ban sơ như buổi đầu của tuổi học trò ngây ngô và vụng dại. Bởi vì cô đem đến cho chúng tôi không chỉ là những cảm xúc trong từng lời văn, không chỉ là sự quan tâm của người dạy với người học mà còn đem đến cho chúng tôi bài học giá trị về cuộc sống. Tôi học cách lắng nghe những nhịp đời đang nức nở để biết trân trọng và rung cảm trước những số phận không may,  biết vươn mình đứng lên sau những cú vấp ngã, biết nhặt lấy những hạt cát trên đường để xây dựng ước mơ cho tương lai. Tôi biết thế nào là hy sinh, thế nào là cuộc sống….Và hơn hết tôi hiểu rằng mỗi thành công chúng tôi đạt được chính là niềm vui và sự tự hào của người đã nâng cánh cho chúng tôi vươn  đến chân trời mơ ước.

Chúng tôi, thế hệ đầu tiên của trường, giờ đây đã trưởng thành. Không biết liệu rằng sau từng ấy thời gian có mấy ai vẫn nhớ về mái trường này, nhớ về những người đưa đò thầm lặng qua bao năm tháng vẫn vững tay chèo và hết lòng vì thế hệ trẻ. Biết nói thế nào cho đủ những nhọc nhằn trăn trở, biết diễn tả ra sao những vất vả thăng trầm. Bao nhiêu khách đã sang sông, bao nhiêu khát vọng và hoài bão đã cập bến thành công…Có mấy ai sang bờ biết ngoái đầu nhìn lại những tay chèo thầm lặng giờ đây mái đầu đã điểm màu thời gian.

Mùa tựu trường 2009, chuẩn bị chào đón trường Trung Học Thực Hành ĐHSP tròn 10 tuổi - khoảng thời gian không dài với một đời người, nhưng đủ để mái trường trưởng thành và có nhiều kết quả đáng tự hào bởi có một đội ngũ thầy cô giáo hết lòng vì các thế hệ trong tương lai . Trong không khí hân hoan này, chúng em  xin được gởi tới thầy cô tấm lòng tri ân sâu sắc, gửi tới bạn bè sự yêu thương, gửi tới các em đang học tại mái trường sự kỳ vọng, mong các em nỗ lực và  phấn đấu trở thành những học trò giỏi, công dân tiến bộ, góp phần phát triển xã hội thật bền vững.

Lê Thị Nguyệt Hương

Lớp 12A5 khóa 1999-2002

 

 

 

 

 
Tự sự… PDF. In Email
Thứ bảy, 18 Tháng 12 2010 03:16

Tự sự…

Rất lâu tôi không ngồi vào bàn và viết về thứ gọi là cảm xúc bên trong. Có thể quy chụp điều này cho cuộc sống vội vã... Rất nhiều việc tôi ưa làm nay đã dần từ bỏ: hiếm khi tôi đọc thơ, và những cuốn tiểu thuyết tôi mua về thì nằm lặng lẽ trên kệ sách, hẵng còn để nếp gấp ở một trang nào đó. Tôi chắc rằng cuộc sống của tôi đã khác nhiều so với hình dung của mình khi còn là một học sinh trên ghế nhà trường. Cho nên, đôi khi, tôi thấy nhớ khoảng thời gian đó, ráo riết…

 

Cách đây không ít lâu, một lần ngang qua con đường An Dương Vương, tôi bảo đứa bạn: Này, vào thăm trường đi. Đồng hồ khi ấy điểm 21 giờ hơn.

 

Trước, tôi chưa từng ngắm ngôi trường cấp 3 của mình vào buối tối. Ánh đèn vàng chiếu một góc khiến cho sự yên tĩnh của ngôi trường mang thêm dáng vẻ xưa, có hơi hướng hoài cổ, chợt khiến tôi nao nao. Nhìn trực diện ngôi trường, tôi nhận ra dãy tầng trệt đã thay đổi ít nhiều, chủ yếu vì có sự bố trí lại các phòng. Khoảng sân tôi đứng ban ngày vốn rợp nắng, tràn ngập tiếng nói cười, về khuya không ngờ có thể trở nên mênh mông và tĩnh lặng đến vậy. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện nhiều hơn về những ngày học ở trường. Không có kỷ niệm quá đặc biệt nhưng từng ngày, từng ngày, chúng tôi đã đến đây, khi thì lo lắng về bài kiểm tra, lúc lại thắc thỏm sợ lên bảng trả bài, đứa tự mãn vì chuẩn bị bài rất tốt, đứa lại nen nép lo chiêu đối phố với thầy cô… Rất nhiều hình ảnh của ba năm học phổ thông trở về trong tâm trí tôi, với hầu hết các gương mặt bạn bè, thầy cô. Tất thảy đều là những thứ tôi ngỡ sẽ không bao giờ chấm dứt, nhưng hóa ra có ngày tôi phải gọi tên chúng là “kỷ niệm” - những kỷ niệm dịu dàng như dòng nước mát dần thấm sâu và lan tỏa trong tâm hồn tôi. Cả buối tối, có lẽ đó là giây phút tôi cảm thấy chính tôi của ngày trước, cũng như thấy được bạn bè của mình ngày trước, những người nay trong vai trò xã hội, trong ánh mắt cười cũng đã ít nhiều mắt vẻ sáng trong. Tôi nhận ra rằng: mối dây liên hệ của tôi với nơi này chưa từng bị cắt đứt, không chỉ bởi ngôi trường đã trao cho tôi kiến thức, đã tặng tôi một tấm bằng để tôi tiếp tục đạt được những tấm bằng khác trong cuộc đời mình, mà quan trọng hơn, ngôi trường đã lưu giữ mãi mãi những năm tháng học trò của tôi, những năm tháng tôi bỡ ngỡ đi tìm cái tôi của mình, để bất cứ khi nào gặp lại, tôi cũng như trở thành người nhạc sĩ trong cơn bế tắc tìm ra được nốt nhạc khởi đầu sáng tác của mình. Thể như con suối cạn kiệt được khơi dòng nước ngọt ngào, thanh mát…

 

Nghĩ lại, đã hơn năm năm kể từ ngày tôi được nhận tấm bằng tốt nghiệp phổ thông. Trong hơn năm năm đó, nhiều thứ đã đổi thay, tôi đã đi từ một học sinh đến một sinh viên, và giờ là một nhân viên. Thú thật, vai trò của một nhân viên khiến tôi mệt mỏi hơn cả (tất nhiên điều này không phủ nhận sự nỗ lực của tôi cũng như không phủ nhận những mặt tốt đẹp của nó). Tôi cảm nhận sự thay đổi trong cuộc sống của mình, quan sát được sự đổi thay trong cuộc sống của bạn bè xung quanh. Nhưng có một thứ dường như không bao giờ phải đối mặt với quy luật khắt khe của thời gian, ấy là khi chúng tôi gặp nhau trong những dịp mà chúng tôi gọi là “trở về trường cũ” hay “đi thăm thầy cô”. Bao giờ tôi cũng bắt gặp lại sự hân hoan, hồn nhiên của lứa tuổi học trò trong chúng tôi vào mỗi dịp ấy, càng tuyệt vời khi lại được trông thấy gương mặt rạng rỡ của cô giáo chúng tôi, cảm nhận sự chào đón của cô trong từng câu nói, nụ cười. Đó quả thực giống như chúng tôi được trở về nhà sau một chuyến đi xa, để mỗi đứa lại tìm thấy những khoảnh khắc thân ái của nghĩa thầy trò, của tình bạn bè và tìm thấy lại những khía cạnh đáng yêu nhất trong con người mình.

 

 

Tôi biết cuộc sống không luôn là một bài toán dễ giải, nhưng có lẽ mọi khó khăn sẽ không còn là nỗi e sợ khi chúng tôi cùng nhìn lại những năm tháng học trò. Ở nơi  có ngọn lửa ước mơ một thời thắp sáng trái tim chúng tôi, trong “ngôi nhà chung” mà chúng tôi gọi là trường Thực Hành (ĐHSP)… Và tôi tin rằng, những ước mơ ngày ấy vẫn sẽ luôn vẹn nguyên trong trái tim chúng tôi, dẫu tháng năm tất bật vẫn đang cuốn chúng tôi đi và đôi lần trên đường đời chúng tôi cũng đánh rơi những dự định sáng tươi của tuổi vào đời.

 

Cảm ơn ngôi trường vì đã là ngôi nhà chung của tất cả những thành 12A7 ngày ấy! Và cảm ơn các thầy cô – trái tim của ngôi nhà chung ấy, đã cho chúng em một nơi để nhớ, để tìm lại chính mình trong những lúc chênh vênh!

 

Dù những cơn gió về khuya đang làm cho tiết trời thêm lạnh, nhưng trong lòng tôi chỉ có sự ấm áp. Mang theo sự ấm áp ấy, tôi rời khỏi trường…. Ngày mai tôi lại sẵn sàng một ngày mới…

 

 

Cù Thị Phương Thúy - Khóa 2000-2003

 
Nhớ... PDF. In Email
Thứ bảy, 18 Tháng 12 2010 03:15

Nhớ...

Em gái tôi năm nay vào lớp 1. Trường học của nó nằm đối diện với một trường cấp 3 - trường THPT Nhân Chính. Cứ sáng lại chiều, đều đặn, tôi là người đưa đón em đi học. Và cứ sáng lại chiều, đều đặn, tôi lại gặp các cô cậu học sinh cấp 3 đi học và tan trường về. Gọi là “cô, cậu” cho oai chú thực ra tôi chỉ hơn họ có 1 tuổi, thậm chí chỉ vài tháng tuổi.N hìn cổng trường nhộn nhịp với những bộ đồng phục, tiếng  gọi nhau í ới, tiếng cười đùa rộn rã .. tôi bỗng thấy  chạnh lòng.

 

Con đường học hành của tôi không hiểu sao không như mọi người khác. Cuộc sống của tôi dường như đã phản ánh đúng chất của cái tuổi Canh Ngọ: hay di chuyển. Mà mỗi lần di chuyển lại là một ngôi trường mới, bạn bè mới, thầy cô mới. Cái sự hay di chuyển của tôi (tất nhiên là ăn theo gia đình) đã dẫn tôi từ mái trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Nội đến với mái  trường Trung Học Thực Hành - Đại Học Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh vào tháng 9 năm 2006. Bạn bè Hà Nội biết tin, hỏi vui: “Mày mà lại muốn theo nghề giáo à?”. Tôi cười. “Trường tao hay lắm, chúng mày vào mà học thử!”.

 

Cái tên thì dài nhưng Trường tôi khiêm tốn lắm. Cái khiêm tốn ấy lại càng nổi bật không chỉ bởi nó nằm ở tận góc sâu, trong cùng của Trường Đại học sự phạm nổi tiếng mà còn bởi nó chung lưng với Trường chuyên Lê Hồng Phong cũng nổi tiếng  không kém của thành phố với một khuôn viên rộng thênh thang..Thế nhưng với tôi, nó lại là kho tàng vô giá cất giữ bao nhiêu là kỉ niệm. Bạn bè 12A5 chắc còn nhớ rõ cái dáng vẻ gộc gệch và lơ ngơ của cô gái nhỏ (nhỏ chiều cao thôi, còn bề ngang, tôi chả khiêm tốn tẹo nào) mới từ Thủ đô vào. Những ngày đầu rụt rè và đầy bỡ ngỡ.  Ban ngày đi học, tối còn đem các từ miền Nam ra đố mẹ. Người ta không nói là năm phẩy năm mà là năm phết năm, không nói quyển vở mà là cuốn tập, không gọi là cái bút mà là cây viết, không gọi là tẩy mà gọi là gôm v.v. Thề mà chính tôi cũng không ngờ được là mình có thể hòa nhập nhanh đến thế nhờ tấm lòng đôn hậu, cởi mở, thân thiện của người Sài Gòn.Rồi tôi được thầy cô, bạn bè tin tưởng giao cho nhiều công việc quan trọng, tôi tham gia công tác đoàn, tham gia ban cán sự lớp. Có ai ngờ, không phải Hà Nôi, nơi tôi sinh ra và lớn lên mà lại chính là mảnh đất Sài Gòn đầy nắng và gió đã làm nên một Diệu Hà tự tin và  hoạt động sôi nổi đến vậy. Tôi tự tin đứng trước cả lớp để bàn về các kế họach trong năm, tự tin tham gia những buổi họp cấp trường, tự tin để đưa ra sang kiến. Tin vào bản thân là điều mà nhiều năm trước đó tôi đã không có được. Chính bạn bè và các thầy cô trong trường THTH đã cho tôi sự tự tin quý giá ấy và tôi thấy mình thật hạnh phúc..

Tôi không phải là một đứa chăm chỉ, nếu không muốn nói là nhiều khi còn làm biếng. Hai năm cuối của cấp 3 là hai năm chuẩn bị cho 2 kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người .Thi tốt nghiệp và thi đại học. Ba mẹ tôi lo. Tôi cũng lo. Bạn bè trong lớp đứa nào đứa ấy đều lo. Nhưng thầy cô đã làm tôi và các bạn tôi bình tâm trở lại. Những lời khuyên chân tình, những buổi lên lớp đầy tâm huyết đã giúp cho chúng tôi có được sự chuẩn bị kĩ càng cả về tâm lí lẫn kiến thức và chúng tôi đã vượt qua kì thi một cách suôn sẻ.

Giờ đây, khi đã trở thành một tân sinh viên, tôi lại thấy một chút tiếc nuối. Những năm cấp 3 của sự tinh nghịch đã trôi qua. Vào đại học nghĩa là đã lớn, phải tự lo lấy bản thân mình. Sự tự lập ấy đã được gieo trồng, vun xới bởi bàn tay và trái tim đầy nhiệt  huyết của thầy cô .

Chiều nay đi đón em, vì sao đó, lại vẫn muốn ngoái nhìn vào sân trường cấp 3 đối diện. Những tiếng cười đùa tinh nghịch, những tà áo dài trắng duyên dáng như đưa tôi về với một mái trường ở nơi kia xa lắm… Thầy cô ơi, em nhớ .. Bạn bè ơi, mình nhớ…Nhớ rất nhiều .

 

 
Các sáng tác của cựu hs Đỗ Thanh Vân PDF. In Email
Thứ bảy, 18 Tháng 12 2010 03:14

Có thể sẽ khác đi

 

Có những điều trôi qua

Chẳng thể nào nhớ nổi

Những tháng ngày vội vàng – hồn nhiên – bối rối

Được làm lại từ đầu

Chưa chắc

Đã tốt hơn…

 

Nếu được một lần thôi, được lặp lại

Những dỗi hờn

Có thể em sẽ không làm như thế

Nhưng khoảng cách chẳng vời vợi giữa Cô và em

Hai thế hệ

Nếu được lặp lại những dỗi hờn

Có thể

Sẽ khác đi…

 

Khi thời gian cứ trôi đi, trôi đi

Em nhận ra những điều chưa kịp nói

Những câu hỏi còn chưa kịp hỏi

Những vòng tay ôm… chưa dám… bao giờ…

 

Nếu được quay lại – không phải đợi chờ

Em muốn cô thấy em, và lũ bạn vô tâm

Đã lớn khôn, biết sống, biết quan tâm nhiều hơn trước…

Biết gửi tình yêu

Vào từng li nước

Từng nhành hoa

Từng tấm bảng sạch mỗi ngày…

Đã biết lắng nghe trong tiếng giảng bài

Những nỗi niềm, buồn vui

Cuộc sống…

 

Đã biết bình thản trước đại dương ngập tràn tiếng sóng

Đã có thể là bờ vai

Cho nỗi nhớ dựa vào

Đã có thể nhận ra giữa đường phố ồn ào

Một tiếng nói rất nhỏ - rất quen

Đầy thương mến

 

Đã biết đánh vần đâu là Bờ là Bến

Đã biết ra đi, đã biết hướng về

Và em đã biết

Giữa những bộn bề

Nếu được quay lại một lần

Sân trường

Đầy nắng…

 

Đỗ Thanh Vân

 

Nhớ

 

Lúc em nhận ra, em đã trở thành một cái máy chạy dọc, chạy ngang trong lòng thành phố. Cũng từ lúc đó, em cứ mặc kệ luôn, mặc kệ cái sự chạy dọc, chạy ngang và chạy nhiều hơn là sống của mình.

Em cũng ít về trường. Ít gặp lại bạn bè cũ. Thi thoảng, giữa những bộn bề cuộc sống, em nghe loáng thoáng được ở đâu đó những cái tên xưa cũ X. , Y. , Z. , … và tự trấn an mình: tất cả đều đang tiến lên phía trước. Em cũng chỉ làm giống y như những người khác mà thôi.

Nhưng rõ ràng, những cái tên cũ luôn có một sức hút nào đó, rất đặc biệt, với cái trí nhớ kém cỏi của em. Trong khi tình hình kinh tế lên và xuống, giá vàng, chứng khoán, bất động sản xuống rồi lên, công ty nọ, khách hàng kia… em phải dùng đến hàng tá sổ tay, ghi chú, lịch điện thoại, lịch máy tính… và những khi mệt mỏi, cơ thể em tự bảo vệ bằng chức năng miễn dịch, miễn nhập với tất cả những thông tin đó; thì bất kì lúc nào, ở đầu, đang làm gì, chỉ cần nghe, thoáng nghe về bạn bè, trường lớp cũ, cái tai hóng hớt của em nó lại vểnh lên.

Trên thương trường đầy gai và đầy “bẫy”, khái niệm bạn học cũ, không biết tự bao giờ trở nên vừa an toàn, vừa tin cậy trong em. Nếu cần giới thiệu, hay bảo lãnh, em thích bảo lãnh cho bạn học cũ (dù rằng em chẳng có thời gian mà cọ sát với năng lực chuyên môn của nó), bởi theo trí nhớ của em, ngày xưa, nó là một đứa bạn chơi được, đàng hoàng, ngồi chung bàn, kẻ phấn thẳng tắp, chẳng đứa nào lấn chỗ đứa nào lấy một lần. Công ty đối tác có chỗ làm trống, lương cao, chẳng đòi hỏi gì nhiều ngoài quen biết, mà thằng bạn nối khố của em mải đi nghĩa vụ quân sự chưa kịp về, thì, ừ, phòng nhân sự bên ấy cứ đợi đấy, rồi một, hai tháng nữa bạn em nó về. Ngày xưa, nó là nỗi sợ hãi kinh hoàng của các thầy, các cô môn chính và môn phụ, và nhất là thầy giám thị. Nó không ngồi yên một chỗ bao giờ. Nhưng nó là bạn thân của em.

Một đứa bạn khác đi du học trời Tây. Mặc dù nó về Việt Nam như cơm bữa, nhưng lần nào nó về với em cũng như lần đầu. Lại diễn lại cái kịch bản ríu ra ríu rít tao đón mày, tao đưa mày đi chơi, tao tiễn mày về… Nó về là họp lớp. Mà không. Nó về thì em mới đi họp lớp. Tự khắc nghiệt với bản thân về một lí do không thể trì hoãn, để vứt hết công việc mà đi ngồi lê cà phê cà pháo, đánh bài tán láo về chuyện trường mình thành trường chuyên, thầy nọ nghỉ, cô kia có em bé, lớp mình mấy đứa làm nghề nọ, mấy đứa làm nghề kia…

Những giây phút ấy, thật hiếm hoi, được ăn, được nói, được cười đùa mà chẳng phải suy nghĩ, cân nhắc, tính toán gì… Vì em tin chúng nó, chúng nó là bạn em.

Cũng có những lúc, em nghĩ, và em thấy tiêng tiếc. Nếu mà em được quay lại ngày ấy, các bác ạ, nhất định em sẽ tử tế hơn với bọn bạn của em. Không tranh cãi nhiều, không cãi cọ, giận hờn. Có thể, có thể thôi nhé, em sẽ chăm học hơn, nhất là các môn tự nhiên, chứ không chỉ chăm chú vào môn Văn yêu thích của em nữa. Em chẳng muốn các Thầy phải vò đầu, bứt tai, khổ sở khi phải cố gắng nhét thêm số, thêm công thức vào cái đầu ương bướng của em. Em cũng sẽ cố gắng bỏ qua thói ì cố hữu để tham gia thêm những hoạt động ngoại khóa, có nhiều thời gian hơn với thầy cô, bè bạn. Bởi em ích kỉ. Bởi em tham lam. Bởi em tiếc, và em muốn có thêm thật nhiều kỉ niệm.

Bởi vì…

Tất cả những người em quen biết và kính trọng, đều có câu cửa miệng thế này: chẳng có khoảng thời gian nào đẹp như thời gian ngồi trên ghế nhà trường, cũng chẳng có bạn bè nào vô tư và hết lòng như bạn bè phổ thông. Ngày xưa em không tin, nhưng đi nhiều, gặp nhiều, trải qua nhiều chuyện, em nghiệm thấy, trong câu nói ấy, đến chín mươi phần trăm là sự thật, mười phần trăm còn lại là phụ gia của nỗi nhớ, càng nhớ nhiều, càng thấy nuối tiếc, thấy đẹp lung linh.

Cái lung linh ấy, không che giấu được trong em những lỗi lầm. Trẻ con – nông nổi và vụn vặt. Những suy nghĩ không tốt. Những hành động không đúng. Những lời nói không nên. Sự hối tiếc, và cả hối hận, cứ như cái chặn giấy trong tâm hồn, đặt ở đâu, nó còn nguyên ở đấy, day dứt. Đáng lẽ… Đáng ra… Giá như… Song cuộc sống đã dạy em bài học về sự nhớ và sự lãng quên. Cái tinh thần trung học ấy, em mang theo trong mình như một tài sản quý giá. Còn những nỗi buồn xếp lại như xếp sách xếp vở. Còn sống thì còn phải tiến lên.

Thành thực với lòng mình, nếu được làm lại, có lẽ em sẽ chẳng thể làm tốt hơn, vì mọi thứ diễn ra đều có ý nghĩa riêng của nó. Nếu không có những sai lầm, ngớ ngẩn và ngang bướng ấy, em đã chẳng tin và chẳng yêu đến thế một khoảng thời gian, một mái trường, một phần đời với biết bao gương mặt từ xa lạ bỗng hóa thân quen.

Chỉ có điều, nếu quay ngược lại được thời gian, em biết, mình sẽ trân trọng hơn, và hết mình hơn với những gì được nhận và được trao đi.

 

Đỗ Thanh Vân

 

 

Đóa bồ công anh bé bỏng

 

Thầy ơi, có vui không?

Những đóa bồ công anh xưa

giờ đã trổ bông

Phủ kín những cánh đồng

Bờ sông

Triền núi…

 

Tiếng hát của thầy

Trở thành tiếng hát của một loài hoa

Bên suối

Hòa cùng tiếng gió

Reo vui…

 

Ngày xưa, khi thầy gieo hạt

Bị cả thế gian

Bàn lùi

Về một loài hoa dại, mọc khắp nơi

Vô ơn

Vô ích

 

Em chỉ thấy thầy cười

 

Những lúc nóng trời

Những đêm khuya lạnh cóng

 

Thầy một mình

Ôm ấp những mầm hoa bé bỏng

Với ước mơ trăm ngàn hạt giống bay xa…

 

Mỗi hạt giống là một mầm hoa

Một niềm tin được gieo chân trời mới

Sức sống ấy, thầy ơi, mãi mãi

Là cánh đồng hoa

Bát ngát

Trổ bông

 

Những đóa bồ công anh bé bỏng

Kể mãi câu chuyện người thầy

Đã ươm trồng

Mặc kệ cả thế gian

Mặc kệ cuộc sống khó khăn

Chẳng cần trả ơn, chẳng cần có ích

 

Những đóa hoa bồ công anh

Được tưới tắm bằng tình yêu

Quý giá hơn cả vàng ròng – ngọc bích

Tỏa sáng mình hồn hậu giữa thảo nguyên

 

Thầy ơi, hãy bình yên

Những đóa bồ công anh xưa

Vẫn hồn nhiên… bé bỏng…

 

Đỗ Thanh Vân

 

 

 

 

 

 

 

 

 
«Bắt đầuLùi12Tiếp theoCuối»

Trang 1 trong tổng số 2


 Tin mới: 

Ra quân đội tuyển học sinh giỏi TP 2019

Ngày 4 – 03 – 2019, Trường trung học Thực hành ĐHSP đã có buổi họp mặt các học sinh giỏi trong đội tuyển HSG cấp TP trước ngày ra quân (đội tuyển Trường THTH gồm 106 thành viên gồm các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Địa lí, Văn, Anh). Kỳ thi học sinh giỏi cấp TP năm 2019 được tổ chức tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT Trưng Vương, Trường THPT Bùi Thị Xuân. Đến dự có...

Kết quả cuộc thi thiết kế logo chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Trường THTH ĐHSP TP.HCM

Kết quả cuộc thi thiết kế logo chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Trường THTH ĐHSP TP.HCM STT Tên Lớp Giải 1 Lương Tiểu Vy 10CT Nhất 2 Văn Bội Hân 12CT Nhì 3 Văn Bội Hân 12CT Ba 4 Huỳnh Thiên Kim 10CT KK 5 Đào Võ Minh...
 

 Đang truy cập: 

Hiện có 1605 khách Trực tuyến

 Weblink 

 Truy Cập