Kỹ năng lập kế hoạch tự học In
Thứ tư, 13 Tháng 4 2016 03:48

Tự học là một quá trình khó và cũng không quá khó. Khó vì phải luôn tự giác để đảm bảo tiến độ tự học được duy trì, được lặp đi lặp lại liên tục để tạo thành một thói quen. Không quá khó nếu như bản thân có ý chí, nhu cầu tự học cao kèm theo KN lập kế hoạch và KN quản lý thời gian hiệu quả.

 

 

 


Đối với bất kì ai muốn việc học thật sự có hiệu quả thì mục đích, nhiệm vụ và kế hoạch học tập phải được xây dựng cụ thể, rõ ràng. Trong đó kế hoạch phải được xác định với tính hướng đích cao, tức là kế hoạch ngắn hạn, dài hơi hoặc thậm chí kế hoạch của từng môn, từng phần phải được tạo lập thật rõ ràng, nhất quán cho từng thời điểm từng giai đoạn cụ thể sao cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình. Vấn đề kế tiếp là phải chọn đúng trọng tâm, cái gì là cốt lõi, là quan trọng để ưu tiên tác động trực tiếp và dành thời gian công sức cho nó.Nếu việc học dàn trải thiếu tập trung thì chắc chắn hiệu quả sẽ không cao. Sau khi đã xác định được trọng tâm, phải sắp xếp các phần việc một cách hợp lí logic về cả nội dung lẫn thời gian, đặc biệt cần tập trung hoàn thành dứt điểm từng phần, từng hạng mục theo thứ tự được thể hiện chi tiết trong kế hoạch. Điều đó sẽ giúp quá trình tiến hành việc học được trôi chảy thuận lợi.

Việc lập kế hoạch rõ ràng, cụ thể cái gì cần được học trước, cái gì sẽ được học sau, làm như thế không những sẽ giúp quản lí và tiết kiệm được thời gian mà còn giúp chúng ta hệ thống lại những kiến thức đã học một cách khoa học.

Kế hoạch tự học của SV phải thực tế và linh hoạt, không thể lập một kế hoạch mà trong đó mỗi công việc đều quy định thời gian cụ thể chi tiết. Vì như vậy, chúng ta có thể gặp những tình huống bất ngờ và kế hoạch bị phá vỡ. Do đó, kế hoạch học tập của SV không phải là cứng nhắc, mà là một kim chỉ nam, một phương hướng có thể điều chỉnh khi điều kiện thay đổi để SV hành động nhằm sử dụng quỹ thời gian một cách hợp lý và hiệu quả, sao cho kế hoạch đó phải ở trong tầm với, phù hợp với điều kiện của mình, có như vậy các em mới làm chủ được quỹ thời gian, không bị động trước nhiều nguồn tư liệu cần phải đọc và các công việc phải hoàn thành theo yêu cầu và sự hướng dẫn của GV.

KN này cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Đảm bảo thời gian tự học tương xứng với lượng thông tin của môn học; xen kẽ hợp lý giữa các hình thức tự học, giữa các môn học, giữa giờ tự học, giờ nghỉ ngơi; thực hiện nghiêm túc kế hoạch tự học như biết cách làm việc độc lập, biết tự ôn tập, kiểm tra.

Trước hết cần xác định xem học cái gì, học trong bao lâu và học bao nhiêu (bao nhiêu chương, bao nhiêu trang, bao nhiêu vấn đề… chẳng hạn, đây là một việc không quá khó). Sắp xếp thời gian tự học, đề ra thời gian học từng thứ và phải tuân thủ đúng theo lịch thời gian đó. Hãy học những vấn đề khó trước, nếu không thì hãy bắt đầu với việc học những phần mà cảm thấy dễ và thú vị.

Nên ấn định cho mình một khoảng thời gian làm việc cụ thể, ví dụ thời gian học hiệu quả thường khoảng 45 phút sau đó hãy nghỉ ngơi thư giãn một chút. Việc xác định thời gian này ngay từ đầu sẽ giúp chúng ta tránh được sự lo lắng, sợ hãi một cách bản năng về những khó khăn, nản chí có thể xảy ra trong quá trình học. Bản thân chúng ta sẽ cảm thấy nặng nề khi không xác định được mình sẽ tự học trong bao lâu? Ít quá thì sợ không hiệu quả, mà nhiều quá sẽ mệt mỏi. Việc ấn định thời gian sẽ giúp ta làm việc có hiệu quả và tăng năng suất hơn.

Nếu chúng ta thành công trong mục tiêu đặt ra chẳng hạn như học xong hai phần của một chương trong sách theo đúng tiến độ thời gian, chúng ta có thể tự thưởng cho mình một phần thưởng nho nhỏ nào đó, ví dụ như cho phép mình chơi game để thư giãn. Một số người có thể xem đây là vô lý, vì chúng ta đang tập trung thiết lập giới hạn thời gian tự học cho mình, nếu cho phép vui chơi thì rất có thể sẽ dễ dàng vi phạm những quy định ấy. Nhưng bằng cách thiết lập những giới hạn về hành vi của mình, chúng ta đang thực sự tự tuân theo kỷ luật, đó sẽ là một KN hữu ích để có thể tự học trong suốt cuộc đời.

Nhiều SV đã cố gắng để thời gian tự học trở nên thường xuyên một cách nhiều nhất có thể, tuy nhiên tần số không quan trọng bằng cách tự học một cách thực sự. Chi tiêu 30 hoặc 60 phút mỗi ngày để tự học có hiệu quả thì chúng ta dễ dàng thẩm thấu kiến thức hơn rất nhiều.

Xác định thời điểm học cũng rất quan trọng. Khả năng lao động trí óc của con người tăng dần từ sáng sớm tới gần trưa, sau đó giảm dần - sau bữa ăn trưa nên có ngủ trưa chút ít từ 20-30 phút để thư giãn cũng là điều nên làm. Hiệu suất học buổi trưa cao hơn buổi sáng, đặc biệt đối với những môn học khó.Buổi chiều có hơi giảm vào giờ ăn tối. Sau đó, dường như có một chu kỳ mới và khả năng trí óc lại tăng dần cho tới khoảng 21 giờ, sau đó lại giảm. Không nên thức sau 22 giờ - vì đầu óc sau một ngày làm việc dường như đã bão hòa, không còn tiếp thu thêm được nữa. Lúc rời bàn học, có thể lật qua, lướt mau những dòng đầu của các bài đã ôn để xác định mình đã học được tới đâu, đồng thời gửi tất cả vào tiềm thức bộ nhớ trước khi đưa não vào giấc ngủ.

Một trong những lí do khiến SV dễ chán nản, không còn hứng thú với việc tự học là không hoàn thành tốt lịch trình đã đề ra. Nhiều lần như thế dễ làm họ cảm thấy mất dần niềm tin vào chính mình và ngày càng buông thả, bỏ bê chuyện tự học.

Đã có khẳng định rằng nếu bỏ ra một giờ để lập kế hoạch chúng ta sẽ tiết kiệm được ba giờ khi thực hiện nó. Bởi khi thời gian học tập cũng như thời gian tự học của mình được lên kế hoạch thì chúng ta sẽ thấy nó trở nên ít rắc rối trong thời gian dài.


Nguyễn Thị Thu Huyền – Nguyễn Văn Hiến – Phương Diễm Hương